Rất phổ biến các loại gạch mà trên bề mặt của nó có các vết trải hoặc in để tạo thành các đường rãnh chìm nổi theo kiểu văn thừng thô hay hình ca rô kiểu bàn cờ.

Đặc biệt, ở đây có rất nhiều loại gạch hình chữ nhật, có kích thước to dày (38cm x 16,5cm x 5,5cm), trên bề mặt in khuôn chữ Hán “Giang Tây quân”, “Giang Tây chuyên” hay “Giang Tây”. Đây là những chữ ghi phiên hiệu của đội quân được giao làm những loại gạch này. Gạch “Giang Tây quân” được dùng trong nhiều loại kiến trúc: xây bó nền, mặt hiên, cống thoát nước hay xây khuôn giếng. Bên cạnh những loại vật liệu trên, còn có nhiều loại gạch vuông lát nền trang trí in nổi hình hoa sen và văn dây leo. 

Đặc sắc nhất là loại gạch vuông in nổi hình con cá sấu đang bơi lội trên sóng nước. Người Việt sống tại vùng sông nước nên từ xưa họ đã tôn sùng cá sấu như một con vật linh thiêng, vì chúng đại diện cho sự trù phú và sức mạnh, thời kỳ này vùng đất người Việt sống còn rất nhiều cá sấu. Họ đã thần thánh hóa loài cá sấu lên thành con Giao Long mà người Trung Hoa gọi sau này, một cách thức tô điểm cho hình hài con cá sấu nhiều chi tiết tưởng tượng và cũng nhiều ý nghĩa hơn.

"Những viên gạch này được trưng bày phía bên tay trái theo hướng đi, ở gian thứ hai trong Phòng trưng bày Thăng Long – Hà Nội, lịch sử ngàn năm từ lòng đất."

Hoàng Anh

Tiếp theo bạn sẽ đến với những di vật triều Lý ở gian thứ ba.